Yêu cầu mới có

Trưa 23/6, chúng tôi đến tiệm vàng K.T (quận 6) hỏi mua vàng miếng. Tuy nhiên, chủ tiệm cho biết các loại vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn 9999 của SJC đều không còn hàng. Sau đó giới thiệu các loại trang sức nhẫn, bông tai, dây chuyền… do tiệm chế tác.

Khi chúng tôi hỏi ở đây có xuất hóa đơn điện tử không, chủ tiệm vàng K.T khẳng định là có, tuy nhiên chỉ xuất hóa đơn điện tử cho vàng của SJC nhưng hiện tiệm đã hết hàng; các loại vàng còn lại chỉ viết biên nhận.

“Trên từng sản phẩm mua tại tiệm vàng của chúng tôi có đủ tên tiệm, loại vàng… Khách mua vàng thường có tâm lý “mua đâu bán đó”, chúng tôi chỉ cần nhìn vào sản phẩm là biết hàng của tiệm mình rồi chứ không cần xem hóa đơn.

Còn giấy biên nhận chỉ có thời hạn trong 7 ngày, khi khách phát hiện sản phẩm lỗi hoặc có thể đổi trả và ít bị trừ tiền công chứ cũng không có tác dụng bao nhiêu” - chủ tiệm vàng cho biết.

Tiệm vàng yêu cầu khách hàng đem theo căn cước công dân để xuất hóa đơn. Ảnh: U.P

Tại tiệm vàng K.H.P (quận Bình Tân), khi khách có nhu cầu bán vàng, nhân viên sẽ thử tuổi vàng rồi báo giá chứ không yêu cầu hóa đơn mua sản phẩm trước đó. Tương tự, khách mua vàng cũng được cung cấp biên nhận ngày mua vàng, tuổi vàng, giá tiền… và có tác dụng đổi trả trong vòng 7 ngày.

“Khi khách muốn xuất hóa đơn điện tử, chúng tôi sẽ đáp ứng và sẽ gửi hóa đơn vào email. Tuy nhiên nhiều khách không có email, cũng không muốn cung cấp căn cước công dân (CCCD) để chúng tôi làm hóa đơn điện tử. Vì vậy, mình chỉ có thể viết hóa đơn giấy bán hàng cho khách” - nhân viên tiệm vàng nói.

Đề cập việc cung cấp hóa đơn điện tử cho khách hàng lẻ, ông Nguyễn Hùng, chủ một tiệm vàng trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1), cho biết, tiệm có hai vợ chồng lớn tuổi trông coi nhưng không rành công nghệ. Khách muốn xuất hóa đơn điện tử thì để lại thông tin, chờ khi người phụ trách nhập liệu đến sẽ gửi hóa đơn vào email.

“Thời gian chờ đợi hơi lâu, có khi đến vài ngày. Đó là chưa kể lỗi mạng, trục trặc đường truyền…” - ông Hùng cho biết.

Vài ngày gần đây, anh Phạm Ngọc Duy, chủ tiệm vàng Ngọc Dung tại chợ Hòa Bình (quận 5), bắt đầu áp dụng xuất hóa đơn điện tử cho khách. Ngay trước tiệm, anh gắn bảng yêu cầu khách mang theo CCCD khi đến mua bán vàng. Dù đã chuẩn bị các điều kiện để kết nối hóa đơn điện tử, theo anh Duy, thực tế triển khai khó trăm bề.

Đầu tiên là chi phí kinh doanh đội lên từ việc thêm nhân công chuyên nghiệp; chi phí sản phẩm cũng tăng vì để đảm bảo chứng từ, các cửa hàng phải mua sản phẩm từ DN lớn, không lấy từ các đầu mối nữ trang truyền thống như trước đây nữa nên giá sẽ cao hơn.

Ngoài ra, khách cũng phản ứng, không chịu cung cấp thông tin, chụp hình CCCD để xuất hóa đơn điện tử. Một số người còn bỏ đi mua vàng ở nơi khác… “Theo quy định, việc mua bán vàng, nữ trang phải có hóa đơn, chứng từ đầy đủ, xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng nên các đơn vị kinh doanh phải thực hiện.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cơ quan quản lý nên thực hiện từng bước, có lộ trình để các điểm bán thực hiện và khách hàng cũng cần chia sẻ, đồng hành” - anh Duy nói.

Mua vàng nên lấy hóa đơn

Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TPHCM, do đặc thù vàng là ngành kinh doanh có điều kiện nên các quy định của Nhà nước luôn được các DN tuân thủ. Hiện các DN vàng đã kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế.

“Khó khăn của một số DN hiện nay chủ yếu liên quan đến chứng từ về nguồn gốc, xuất xứ vàng.

Do hơn chục năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng nên các DN chủ yếu mua vàng trôi nổi trên thị trường. Nay phải hoàn thiện chứng từ nên cần sự hướng dẫn của cơ quan thuế để từng bước, đồng bộ” - ông Dưng nói.

Đại diện Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM cho biết, tính đến giữa tháng 5/2024, đơn vị đã kiểm tra 35 cơ sở kinh doanh vàng trên địa bàn, thu giữ hơn 700 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng.

“Những sản phẩm vàng đang kinh doanh tại các cửa hàng không có hóa đơn, chứng từ theo quy định, được xác định là hàng hóa nhập lậu hay hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay hàng hóa giả mạo nhãn hiệu sẽ tịch thu theo quy định” - đại diện Cục QLTT nói.

Luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại TPHCM, khuyến cáo, người mua vàng nên lấy hóa đơn để bảo đảm quyền lợi của chính mình. Hóa đơn có tính pháp lý cao hơn so với biên nhận vàng, vì vậy khách hàng nên yêu cầu các tiệm bán vàng xuất hóa đơn.

Trao đổi với PV Tiền Phong chiều 24/6, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, cho biết, thành phố hiện có 28 tổ chức tín dụng và DN được phép kinh doanh, mua bán vàng miếng; có 509 DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Hiện các cơ sở kinh doanh vàng đều đã đăng ký hóa đơn điện tử, nhiều DN nghiêm túc xuất hóa đơn cho người mua vàng miếng, vàng nhẫn, nữ trang vàng.

“Hầu hết các cơ sở kinh doanh vàng cũng đã đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối với cơ quan thuế để cung cấp cho khách hàng” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, hồi đầu tháng 6 vừa qua, Cục Thuế TPHCM đã phối hợp với Sở Công Thương tập huấn cho hơn 500 DN và cá nhân kinh doanh vàng trên địa bàn thành phố về thực hiện hóa đơn điện tử.

Hiện, Cục Thuế vẫn tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng khác như Cục QLTT, Công an TPHCM… để kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về kinh doanh vàng, trong đó có việc chấp hành pháp luật về sử dụng hóa đơn điện tử trong việc mua bán vàng, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành. Cơ quan thuế cũng chủ động rà soát và thông báo với từng cửa hàng để hỗ trợ kịp thời.

“Người dân đi mua vàng mà lấy hóa đơn thì sẽ chứng minh được nguồn gốc, đảm bảo được chất lượng. Hơn nữa còn được tham gia chương trình hóa đơn may mắn và quay số trúng thưởng được cơ quan thuế tổ chức hàng quý, có cơ hội nhận được rất nhiều giải thưởng có giá trị” - ông Dũng nói.

Tiểu thương phải chịu trách nhiệm

Chợ An Đông (quận 5) vừa qua có nhiều hộ kinh doanh vàng, trang sức đóng quầy sạp né QLTT kiểm tra, trong đó có lý do chưa hoàn thành việc xuất hóa đơn điện tử, đặc biệt không có hóa đơn điện tử đầu vào theo quy định hiện hành.

Ngày 24/6, trao đổi với PV Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phó Trưởng Ban quản lý chợ An Đông cho biết, theo quy định bắt buộc, tất cả các sản phẩm được kinh doanh, mua bán đều phải có nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn, chứng từ…

Trách nhiệm của Ban quản lý là tuyên truyền, vận động để tiểu thương hiểu và chấp hành; trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, tiểu thương nếu ý kiến để Ban quản lý chuyển đến các cơ quan chức năng hỗ trợ.

“Hiện các tiểu thương trong chợ đã mở quầy kinh doanh trở lại” - bà Hà nói.

Uyên Phương